Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

khi hau tinmoitruong

khi hau tinmoitruong

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã xây dựng Báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định về vấn đề biến đổi khí hậu ” (INDC) và đang tích cực thực hiện báo cáo này, thể hiện nội lực của mình trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đây là phát biểu của ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi tọa đàm được Liên minh châu Âu (EU) tổ chức ngày 8/12 trong khuôn khổ các hoạt động của EU tại trung tâm Le Bourget, phía Bắc Paris (Pháp).

 

[-]Việt[-]Nam[-]nỗ[-]lực[-]ứng[-]phó[-]với[-]biến[-]đổi[-]khí[-]hậu[-]toàn[-]cầu

Ảnh minh họa:TL


Trình bày tham luận tại cuộc tọa đàm với chủ đề: “Đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp ứng phó sau COP21 và học hỏi kinh nghiệm các nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Khắc Hiếu cho biết “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” của Việt Nam bao gồm hai phần là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Về phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% trong trường hợp nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cũng như việc chuyển giao công nghệ của quốc tế. Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ chủ động ứng phó với thiên tai, ứng phó với nước biển dâng, ngập lụt ở các vùng ven biển và đô thị, tăng cường giám sát khí hậu, đảm bảo an sinh xã hội.


Về các giải pháp mà Việt Nam sẽ thực hiện, ông Nguyễn Khắc Hiếu cho biết Việt Nam đã xây dựng các phương án giảm phát thải khí nhà kính trong những lĩnh vực chính như năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và quản lý chất thải. Trong lĩnh vực năng lượng vốn được coi là nguồn phát thải chính, các biện pháp của Việt Nam tập trung vào việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Trong giao thông, Việt Nam hướng đến việc tăng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn, chuyển đổi sử dụng các loại nhiên liệu ít phát thải như là sử dụng các loại nhiên liệu mới, xăng sinh học… Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam xây dựng những phương án tăng khả năng hấp thụ của rừng thông qua việc bảo tồn rừng bền vững, trồng rừng ngập mặn ở ven biển để làm tăng bể chứa carbon đồng thời cũng làm tăng khả năng phòng chống thiên tai khi xảy ra bão và lũ lụt ở các vùng cửa sông và ven biển.


Bài phát biểu của ông Nguyễn Khắc Hiếu đã nhận được sự quan tâm của các diễn giả cũng như cử tọa do “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” của Việt Nam đã xác định rõ những nhiệm vụ cần triển khai với định lượng và kỳ vọng về giảm phát thải khí nhà kính và hoạt động thích ứng vớibiến đổi khí hậu trong giai đoạn 2021-2030, cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện báo cáo này góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất.


Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, bà Haoua Sary, Thư ký thường trực Hội đồng quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững của Burkina Faso, ông Franzjosef Schafhausen, Tổng Vụ trưởng thuộc Bộ Môi trường Đức, ông Stéphane Gompertz, Đại sứ về biến đổi khí hậu của Pháp tại Trung Đông và châu Phi đã trình bày tham luận của mình về các giải pháp quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.